Bảo vệ Long Việt khuyến cáo độc giả cảnh giác với các mánh lới lừa đảo mua bán tiền giả

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện các hành vi phạm pháp mua bán tiền giả. Các đối tượng rao bán tiền giả đã đưa ra những lời quảng cáo có cánh nhằm lôi kéo, dụ dỗ những người nhẹ dạ, hám lời “sập bẫy”. Tuy nhiên, sau khi thực hiện giao dịch, không ít người đã bị ăn “quả lừa” khi trót rơi vào cảnh mua tiền giả – mất tiền thật. Sau đây công ty Long Việt sẽ phân tích một số chiêu thức lừa đảo tiền giả thường xuyên xảy ra nhằm giúp mọi người có thể kinh nghiệm để có thể dễ dàng đề phòng cảnh giác và tránh khỏi chiêu thức lừa đảo này.

Hiện nay chỉ cần gõ từ khóa “tiền giả”, “mua bán tiền giả” trên dòng tìm kiếm của facebook sẽ xuất hiện hàng loạt kết quả rao bán như: “Doanh nghiệp tiền giả”; “Mua bán tiền giả toàn quốc”,… kèm dòng quảng cáo: “Loại tiền giả chỉ có máy soi mới phát hiện, mắt thường không thể thấy được” hay trên tài khoản có tên “Bán tiền giả uy tín chất lượng 100%”, chủ tài khoản đăng tải vô số hình ảnh được cho là tiền giả, loại tiền polymer với nhiều mệnh giá khác nhau bao gồm: 50 nghìn đồng, 100 nghìn đồng, 200 nghìn đồng và 500 nghìn đồng. Tiền được bó thành từng cọc, chất đầy trên bàn và được người rao bán bảo đảm “giống thật tới 99%” kèm theo những lời mời gọi hấp dẫn như: “Ai muốn mua tiền giả để cải thiện đời sống, giúp đỡ gia đình, kiếm tiền tiêu Tết. Hãy đến với chúng tôi. Nếu mua từ hai triệu đồng trở lên sẽ được ưu đãi từ một đến ba triệu đồng…”.
Đáng chú ý, các chủ tài khoản cũng không quên tư vấn, để “chắc ăn”, người mua không nên sử dụng tại siêu thị, cửa hàng mua bán, trạm đổ xăng, không sử dụng hoặc gửi tiền giả tại ngân hàng. Phạm vi sử dụng tốt nhất là tại các quán ăn, quán cà-phê, quán bar, vũ trường,… Những lời quảng cáo như vậy khiến không ít người hám lợi, “móc hầu bao” thực hiện giao dịch, chuyển tiền theo yêu cầu nhưng đối tượng bỗng lặn mất tăm, còn người mua đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì trót rơi vào cảnh tiền mất mà chẳng dám kêu ai.
Để tìm hiểu hoạt động mua bán này, chúng tôi tìm cách liên lạc với số điện thoại 0988.746xxx nhưng máy báo không liên lạc được, đồng thời nhận được tin nhắn phản hồi sẽ gọi lại sau. Sau đó người này gọi lại bằng số 0989534xxx và quảng cáo: “Bạn trả 10 triệu đồng tiền thật sẽ nhận được 50 triệu đồng tiền giả (tỷ lệ quy đổi là 1 x 5), thủ tục nhanh gọn, chỉ cần cho địa chỉ, trả trước một nửa số tiền thông qua mã số thẻ cào điện thoại kèm theo số sê-ri. Khi nhận đủ tiền, công ty sẽ cho nhân viên giao tận nơi, người mua có thể nhận được hàng sau hai giờ đồng hồ”. Tương tự, chủ nhân số điện thoại 01244367xxx cho biết thêm, muốn mua số lượng bao nhiêu tiền giả cũng được, miễn là người mua phải đặt cọc trước số tiền ít nhất từ 30 đến 50% giá trị hợp đồng, với phương thức thanh toán thông qua thẻ cào, thẻ game hoặc chuyển tiền qua ngân hàng.
Mặc dù tiền giả được rao bán công khai, nhưng giao dịch mua bán lại được các đối tượng thực hiện theo một quy trình vô cùng thận trọng. Sau nhiều lần dò hỏi địa chỉ và muốn gặp trực tiếp nhưng tất cả những đối tượng này đều nại lý do đây là mặt hàng nhạy cảm, không thể giao dịch trực tiếp vì sợ gặp công an, gặp cướp hoặc các đối tượng khác uy hiếp để lấy hàng. Đồng thời, các đối tượng này cũng từ chối giao dịch theo hình thức Cod (giao hàng và nhận tiền của dịch vụ chuyển phát) vì khi chuyển hàng và thu tiền hộ, bên bưu điện sẽ kiểm tra hàng hóa và dễ bị lộ…
Phá hoại nền kinh tế
Tỏ vẻ bức xúc, anh Nguyễn Văn G, trú tại Thanh Sơn (Phú Thọ) cho biết, do tin tưởng vào những lời quảng cáo, anh đã bỏ ra 500 nghìn đồng để mua 2,5 triệu đồng tiền giả làm kỷ niệm và chuyển khoản qua thẻ cào điện thoại cho một đối tượng rao bán tiền giả trên mạng. Tuy nhiên, tiền thật thì mất còn tiền giả đợi mãi chẳng thấy đâu. Lấy điện thoại thúc giục người bán giao hàng nhưng điện thoại của đối tác luôn trong trạng thái không liên lạc được. Trên thực tế, có không ít người đã bỏ ra khoản tiền không nhỏ từ vài trăm nghìn đến cả chục triệu đồng tiền thật để mua tiền giả, thế nhưng, khi thực hiện giao dịch và chuyển tiền xong mới biết mình bị lừa, vì không thể liên lạc được với người bán, do họ “lặn mất tăm” và xóa các tài khoản nhạy cảm.
Không riêng gì hình thức rao bán tiền giả nêu trên, thời gian gần đây cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ đối tượng Phạm Đình Hùng, trú tại thị xã Bình Long (Bình Phước) khi đang vận chuyển hơn 284 triệu đồng tiền giả (loại tiền polymer, mệnh giá 200 nghìn đồng/tờ) mang đi tiêu thụ. Trước đó, lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn cũng bắt quả tang đối tượng Lưu Văn Dương, trú tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) về hành vi vận chuyển 200 triệu đồng tiền giả, loại mệnh giá 200 nghìn đồng/tờ. Theo lời khai, đối tượng mua số tiền giả này từ Trung Quốc với mức giá 22 triệu đồng, định mang về các vùng quê tiêu thụ thì bị bắt giữ…
Đề cập tới hoạt động rao bán tiền giả qua mạng, Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Công ty luật Nay và Mai Hà Nội cho biết, hành vi này không chỉ vi phạm quy định tại Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 về làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả mà còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 180 Bộ Luật hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Theo đó, mức hình phạt đối với tội danh này từ ba năm tù đến tù chung thân. Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Hữu Cung, giảng viên Trường đại học Hùng Vương cho biết, trong thực tế, tiền giả đã xuất hiện từ rất lâu ở các quốc gia trên thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ. Mục đích của tội phạm tiền giả là trục lợi và phá hoại nền kinh tế. Nạn tiền giả ở một quy mô nào đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, chính sách tiền tệ của Nhà nước và làm mất giá tiền Việt Nam đồng, từ đó ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Hơn nữa, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn là gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng và mất dần lòng tin của dân chúng đối với đồng nội tệ. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp để ngăn chặn nạn tiền giả luôn là yêu cầu cấp thiết đối với các ngành chức năng liên quan.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, khi rao bán tiền giả, để “dụ” khách hàng thì các đối tượng thường quảng cáo “tiền giả hiện tại chỉ có máy soi mới phát hiện được chứ mắt thường không thể thấy được”. Nhưng trên thực tế khi trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Cho đến nay, các loại tiền giả polymer đã thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đều có thể dễ dàng nhận biết bằng tay hoặc mắt thường qua kiểm tra các yếu tố bảo an dành cho công chúng, như hình bóng chìm, mực đổi mầu, yếu tố hình ẩn (DOE)… Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, khả năng làm tiền giả của bọn tội phạm cũng ngày càng tinh vi. Nhiều loại tiền giả đã đạt đến mức “siêu giả”, ngay cả những người thường xuyên tiếp xúc với tiền cũng bị nhầm lẫn nếu chủ quan. Vì vậy, người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền mỗi khi giao dịch tiền mặt để tránh rủi ro nhận phải tiền giả.
Hiện, các đối tượng lợi dụng các mạng xã hội, đặc biệt là facebook để thực hiện hành vi phạm tội trên đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do lòng tham của chính các nạn nhân, đã bất chấp quy định pháp luật, đặt niềm tin vào những lời quảng cáo, mời chào của những người mà mình không hề quen biết, chưa từng gặp mặt, nên không những “tiền mất”, mà còn có thể bị “tật mang” bởi theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước thì “làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả” là những hành vi bị nghiêm cấm. Ngoài ra, người dân cũng cần quan tâm tìm hiểu để nắm rõ các đặc điểm cơ bản trên tờ tiền thật do NHNN phát hành; có ý thức (thói quen) kiểm tra tiền cẩn thận để có thể chủ động phát hiện tiền giả (hoặc nghi giả); khi nhận phải tiền giả hoặc phát hiện những người có hành vi tiêu thụ, buôn bán tiền giả cần báo, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan công an hoặc ngân hàng nơi gần nhất.
Hy vọng với những chia sẽ vô cùng cặn kẻ từ phía công ty mọi người sẽ trang bị thêm cho mình một số kinh nghiệm để có thể dễ dàng nhận dạng và tránh khỏi những chiêu thức lười đảo của kẻ gian.

Theo baovelongviet.vn