Đuối nước là một trong ba nguyên nhân gây tử vong đứng đầu trên toàn thế giới, chiếm 7% tổng số ca tử vong liên quan đến thương tích. Hàng năm, có khoảng 320.000 người chết đuối trên thế giới. Tai nạn đuối nước phổ biến ở trẻ em, những người không biết bơi và ở những vùng thường xuyên có lũ lụt. Vậy đuối nước là gì? Làm sao để sơ cứu người bị đuối nước đúng cách? Bài viết dưới đây của bảo vệ Long Việt sẽ giúp các bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Đuối nước là gì?
Theo tổ chức Y Tế Thế Giới WHO định nghĩa, đuối nước là hiện tượng suy hô hấp xảy ra ở trẻ em hoặc người lớn. Quá trình này xảy ra khi có chất lỏng (thường là nước) xâm nhập vào khí quản gây khó thở. Hậu quả sẽ gây ngạt thở trong thời gian lâu, dẫn đến tử vong (chết đuối) hoặc có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng đến hệ thần kinh.
Tai nạn đuối nước có thể xảy ra tại các bể bơi, bồn tắm, giếng nước, ao hồ, sông suối, biển,… Bất cứ đối tượng nào cũng có thể bị đuối nước, nhưng thường là trẻ nhỏ và những người không biết bơi. Một số trường hợp, người lớn và biết bơi giỏi vẫn có nguy cơ bị đuối nước nếu lơ là, chủ quan.
Nguyên nhân gây ra tình trạng đuối nước
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước như không biết bơi, vui chơi tại các khu vực nguy hiểm như: Ao, hồ, sông, suối, các khu vực công trình xây dựng, bể bơi, giếng nước,… Hoặc tập bơi tại những khu vực không có biển báo nguy hiểm, có vấn đề sức khỏe ảnh hưởng trong quá trình bơi lội. Hay tai nạn đuối nước do thiên tai, lũ lụt gây ra,…
Theo các số liệu thống kê:
- Hơn 1/2 số ca tử vong do đuối nước xảy ra trong bể bơi.
- 1/4 nạn nhân bị đuối nước đã biết cách bơi
- Trẻ sơ sinh nhỏ hơn một tuổi bị đuối nước trong bồn tắm
- Trẻ nhỏ từ 1-4 tuổi thường bị đuối nước trong bể bơi.
- Khi trẻ lớn hơn, tỷ lệ chết đuối trong môi trường nước tự nhiên như sông suối, ao hồ và biển cũng tăng lên. Những người có độ tuổi lớn hơn 15, chiếm 65% trường hợp đuối nước xảy ra ở môi trường nước tự nhiên.
- Rượu là một nguyên nhân gây ra 1 nửa số ca đuối nước ở trẻ vị thành niên và người trưởng thành.
Cách sơ cứu người bị đuối nước
Theo các chuyên gia trong ngành y tế, cấp cứu tại chỗ là điều quan trọng nhất, quyết định đến sự sống của nạn nhân đuối nước. Nếu xử lý chậm, nạn nhân sẽ rất dễ bị thiếu oxy lên não, dẫn đến tình trạng nguy kịch. Khi gặp người bị đuối nước, nên thực hiện 3 bước sau để tiến hành sơ cứu:
Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước một cách an toàn.
Bước 2: Cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí, đồng thời giữ ấm cơ thể. Nếu nạn nhân đã bất tỉnh, cần kiểm tra xem nạn nhân còn thở không bằng việc áp tai vào lồng ngực.
Nếu nạn nhân có các dấu hiệu ngưng thở, cần thực hiện hô hấp nhân tạo một cách nhanh chóng:
- Đặt nạn nhân nghiêng mình sang bên trái, dùng khăn sạch kiểm tra và loại bỏ các dị vật có thể có trong miệng và mũi nạn nhân.
- Tiến hành hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân, kết hợp cùng với ép tim ngoài lồng ngực. Thực hiện với công thức 15: 2, nghĩa là ép tim 15 lần thì thổi ngạt 2 cái nếu có 2 người cùng thực hiện, còn nếu có 1 người thực hiện thì thực hiện theo tỉ lệ 30 : 2. Kiên thì thực hiện lặp lại cho đến khi nạn nhân có mạch đập trở lại.
Bước 3: Khi nạn nhân đã có thể thở trở lại thì sẽ nôn ra nhiều nước, cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối để tránh bị ngạt.
Bước 4: Sau khi sơ cứu thành công, cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiến hành kiểm tra.
Những việc cần tránh khi bị đuối nước
Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân bị đuối nước rồi vác lên vai chạy. Đây là hành động hoàn toàn không đúng vì nó chỉ làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống nạn nhân mà không có một tác dụng nào. Khi bị đuối nước, nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ. Nếu chúng ta tiến hành hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực đúng cách, khi nạn nhân thở trở lại lượng nước này sẽ bị tống ra ngoài.
Các nạn nhân ngưng thở tim, nếu không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong quá trình di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế. Thì có thể làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, gây chết tế bào não và dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề. Vì thế, điều cần làm là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước, trước khi đưa vào bờ.
Cách phòng tránh tai nạn đuối nước
Những hành động và kỹ năng giúp ngăn chặn, phòng chống đuối nước, bao gồm:
- Học bơi nên là kỹ năng được ưu tiên hàng đầu cho mọi trẻ em và mọi người ở mọi lứa tuổi.
- Lắp đặt các rào chắn tại những khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.
- Luôn quan sát trẻ, không cho trẻ chơi tại những nơi gần khu vực nguy hiểm như sông hồ, bể bơi, bãi biển,… khi không có người lớn bên cạnh.
- Sử dụng áo phao, phao bơi khi tham gia các hoạt động trên sông nước
- Sử dụng các biển báo tại các khu vực cấm bơi để giảm thiểu tai nạn đuối nước.
Trên đây là bài viết của bảo vệ Long Việt, đã giải thích đuối nước là gì? Đồng thời cung cấp cách sơ cứu nạn nhân bị đuối nước và những kỹ năng cần thiết để giảm thiểu tai nạn này xảy ra. Hy vọng các bạn có thể nắm được để phòng ngừa cũng như có thể tiến hành sơ cứu khi gặp người bị đuối nước.